Bài mới

Menu

Hãy cẩn thận: Smart TV có thể 'bán đứng' bạn đấy!

Đó là lời nhắc của trang The Verge đối với những người ham tivi thông minh (Smart TV). Với những phần mềm vô cùng phức tạp bên trong khiến người dùng khó có thể kiểm soát hết được, và đây chính là lỗ hổng để các nhà sản xuất trục lợi thông qua những thông tin mà họ thu được của người dùng.

Ngày nay, các dòng TV "không thông minh" (TV cơ bản) đã đồng nghĩa với sản phẩm kém chất lượng. Thế nhưng bạn có bao giờ thắc mắc tại sao nhà sản xuất lại "quá sốt sắng" khi bán cho chúng ta những sản phẩm với hàng loạt phần mềm phức tạp, và đi kèm theo đó là các chức năng sử dụng "loằng ngoằng" và khó hiểu kia? Sau tất cả, thứ mà chúng ta mua chính là công cụ để "bán đứng" chính chúng ta cho nhà sản xuất. Tất cả vì lợi nhuận! - trang tin The Verge khẳng định.

Smart TV ngày nay trở nên rất phổ biến và cũng là lựa chọn chủ yếu của người dùng khi mua sắm. Trang tin The Verge dẫn lời của đại diện hãng Vizio, đã lý giải cho chúng biết tại sao loại sản phẩm này lại phát triển chóng mặt đến vậy. Theo hãng này, TV cơ bản chỉ hoạt động giống như một màn hình hiển thị các chương trình, không có các "phần mềm đặc thù" giống như TV thông minh và do đó, bán một chiếc TV cho bạn là xong. Nhưng với Smart TV, thông qua những phần mềm được nhà sản xuất cài đặt sẵn, chúng trở thành công cụ sinh ra tiền quảng cáo, tiền ăn chia mỗi khi chúng ta thuê hay mua nội dung, sản phẩm qua những chiếc TV đó. Và đây quả là một mô hình kinh doanh mới, giúp các hãng sản xuất TV thu lợi nhuận đáng kể hơn rất nhiều so với việc bán phần cứng truyền thống (TV cơ bản) kia.
Smart TV

Smart TV với những phần mềm chức năng đầy phức tạp, gây khó khăn cho người dùng, thận chí chúng có thể thu thập thông tin của người dùng cho nhà sản xuất bán kiếm lời nữa.
Với các tính năng được các nhà sản xuất gán cho nó cái tên "rất kêu" là Smart TV, chúng sẽ tự động nhận biết bạn đang xem loại nội dung gì. Tuy nhiên, nếu bạn mua TV thông minh nhưng không sử dụng phần mềm có sẵn bên trong mà dùng qua đầu phát bên ngoài, chẳng hạn như những chiếc Roku, Apple TV, Fire TV, Android TV box, PlayStation 4 hay Xbox One,... thì hãng sản xuất sẽ không biết bạn đang xem gì. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chiếc smart-TV của bạn đã bị vô hiệu hóa khả năng theo dõi chủ nhân của nó - điều mà hãng sản xuất cố tình đưa vào.

Cùng với đó, mọi chương trình chúng ta xem đều được những chiếc Smart TV "ghi chép" lại cẩn thận. Giờ đây, những TV thông minh luôn có một tính năng là "Aautomatic Content Recognition" hay ACR. Bất cứ loại nội dung gì đang hiện trên màn hình, kể cả khi bạn truyền từ thiết bị ngoại vi sang thông qua cổng HDMI, chiếc Smart TV cũng sẽ thu thập các điểm ảnh để gửi chúng lên máy chủ của nhà sàn xuất. Theo đó, máy chủ của hãng sẽ xếp loại chúng vào dạng phim ảnh hay chương trình truyền hình bất kỳ; đồng thời hãng cũng biết rõ loại chương trình đang phát trên TV là gì, thời lượng là bao nhiêu,... và họ sẽ dùng dữ liệu đã thu thập được từ người dùng để bán cho các đơn vị quảng cáo, tiếp thị nhằm thu lợi. Họ không quan tâm rằng bạn xem như thế nào, bằng cáp truyền hình hay qua đầu phát bên ngoài, stream Netflix hay bất cứ ứng dụng xem video nào khác, miễn là thấy màn hình TV của bạn phát nội dung gì là họ đều thu thập hết.

Bạn đừng tưởng những thông tin có vẻ chẳng liên quan gì này là "vô tích sự" nhé!, chúng là tiền cả đấy. Bởi sau đó, đơn vị quảng cáo vốn đặt hàng dữ liệu của bạn (người dùng) từ nhà sản xuất sẽ biết cách để đưa quảng cáo của họ đến với mọi người hiệu quả hơn. Cụ thể, thông qua địa chỉ IP mạng, họ sẽ gửi đường dẫn chào mua sản phẩm của mình đến những chiếc điện thoại hay máy tính có chung địa chỉ IP với chiếc TV đã phát ra những đoạn quảng cáo kia và mời chào bạn mua hàng những ngày sau.

Về việc này có thể nói, mặc dù bạn đã được cảnh báo, đã biết, nhưng gần như không thể ngăn việc nhà sản xuất theo dõi quá trình hoạt động của mình. Bởi nhìn chung, các hãng TV sẽ luôn để bạn biết về việc theo dõi đó và cho bạn lựa chọn "Đồng ý" hay "Không đồng ý" khi cài đặt. Họ làm vậy để tránh kiện tụng. Nhưng thực tế, trong cả hai trường hợp xảy vẫn ra luôn khiến chúng ta "tình nguyện dâng hiến" những gì mà họ muốn.

Không chỉ vậy, rất ít người dùng quan tâm đến việc mình có bị theo dõi hay không, hay thực hiện "Tắt" nó đi như nào, vì nó khá phưc tạp. Bạn có thể tắt tính năng theo dõi khi chiếc Smart TV hỏi, nhưng có tới 99.99% người dùng khi cài đặt phần mềm khởi động lần đầu chẳng thèm đọc hay nghiên cứu kỹ nội dung trên màn hình, bởi nó quá dài và nhiều khi tối nghĩa.

Đặc biệt là hiện nay việc chúng ta mua những chiếc TV mới, luôn có kỹ thuật viên bán hàng (của hãng/đơn vị bán hàng ủy quyền) đi theo để cài đặt giúp. Họ luôn làm thật nhanh (dĩ nhiên là OK tất cả) để tiết kiệm thời gian, còn chúng ta thì đang trong tâm trạng chờ chiếc smart-TV mới mua sớm xong để xem và bỏ qua tất cả. Về việc này, giới công nghệ vẫn hay đùa vui rằng, người dùng "lười" và chẳng quan tâm các điều khoản mà TV nói gì. Bởi chúng ta đang "sốt ruột" để sử dụng sản phẩm và chỉ bấm "Đồng ý" cho xong chuyện, cứ bấm liên tục và cấp quyền cho TV theo dõi, thu thập thông tin lúc nào chẳng hay, hoặc nếu có hay thì vẫn "tặc lưỡi" bấm cho qua thật nhanh.

Trong trường hợp thứ hai: TV cần có mạng để tải dữ liệu lên máy chủ. Nếu bạn rút cổng Ethernet, hoặc ngắt kết nối Wi-Fi, nó sẽ không thể "báo cáo" cho hãng biết bạn đang xem chương trình gì. Tuy nhiên, điều này thật là "tréo ngoe" khi chúng ta bỏ tiền mua chiếc smart-TV mà lại không kết nối mạng cho chúng. Như thế chẳng khác nào ta dùng chiếc TV cơ bản như cũ. Thêm vào đó, một số tính năng trên smart-TV sẽ không hoạt động nếu không có mạng, kể cả khiến việc cập nhật phần mềm mới không có, dẫn đến các tính năng trong tương lai không thể đến với bạn. Thế nên hiếm gia đình nào ngày nay dùng TV thông minh lại làm như vậy.

Cũng theo The Verge, đối với các Smart TV, cả mớ phần mềm rác cứ "chình ình" trên màn hình khiến người dùng rất bực mình. Bởi cũng tương tự như trên máy tính Windows và điện thoại Android, chính nhà sản xuất có quyền quyết định cái gì sẽ có trên màn hình chứ không phải bạn. Sở dĩ có những phần mềm rác này là bởi trong cuộc đua hạ giá thành khiến các hãng phải tìm cách "xoay xở" để có thêm nguồn thu, thay vì chỉ dựa vào việc bán TV như bán phần cứng bình thường. Thực tế cho thấy, chúng ta đang sống trong thời đại Internet với nội dung số bùng nổ, mô hình càng mới thì các phần mềm/chương trình "rác" càng có điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn. Và các công ty cung cấp dịch vụ sẽ trả tiền để được xuất hiện trước mặt bạn.

Do vậy, khi mua một chiếc Smart TV, cũng đồng nghĩa với việc bạn đã "mở đường hầm" cho quảng cáo, theo dõi, tiếp thị truyền thông,... kể cả hacker, tràn vào nhà.

Nhưng chúng ta cũng không thể quy kết tội lỗi cho các nhà sản xuất, bởi chính chúng ta cũng yêu những chiếc TV giá rẻ mà phong phú tính năng. Thậm chí đôi khi bạn còn muốn có thể mua được thứ mình tìm từ chính những quảng cáo đã được các hãng nhắm mục tiêu dựa trên thói quen của bạn. Ngoài ra, việc các nhà sản xuất tiến hành thu thập thông tin khách hàng cũng giúp hãng có thể giảm giá TV xuống mức dễ tiếp cận hơn mà không phải cắt giảm phần cứng, để người dùng có chiếc TV tốt hơn.

Thế nên nếu bạn là người thực sự ghét việc bị theo dõi, bạn vẫn có thể tìm cách để tắt nó đi khi rà soát thật kỹ lưỡng mọi chương trình/phần mềm trên Smart TV.

Chia sẻ:

No Comment to " Hãy cẩn thận: Smart TV có thể 'bán đứng' bạn đấy! "

  • Để thêm một biểu tượng cảm xúc Show Icons
  • Để thêm mã Sử dụng [pre]code here[/pre]
  • Để thêm hình ảnh sử dụng[img]IMAGE-URL-HERE[/img]
  • Để thêm video Youtube, chỉ cần dán một liên kết video như //www.youtube.com/watch?v=0x_gnfpL3RM